Breaking News

Phong cách thiền

Phong cách thiền


Nhật Bản vốn nổi tiếng với nghệ thuật cắm hoa (ikebana) và tiểu cảnh (bonsai) lâu đời, nhưng nay lại xuất hiện thêm hồ thủy sinh. Mọi người có thể thắc mắc, nghệ thuật tiểu cảnh thì liên quan gì đến hồ thủy sinh chứ? Với người Nhật, nghệ thuật thủy sinh phải có cấu trúc, tổ chức và quy tắc. Với người phương tây, hồ thủy sinh có lẽ chỉ được dùng vào mục đích cân bằng sinh thái, chứ không phải thẩm mỹ. Trong bài này, tôi sẽ lý giải về quy tắc của thú chơi ở Nhật Bản, và một chút về sự dồi dào của các sản phẩm thủy sinh phục vụ cho thú chơi này.

[​IMG]

Mãi cho đến đầu thập kỷ 80 thì hồ thủy sinh mới bắt đầu được quan tâm. Người Nhật đã nhanh chóng thể hiện sự khéo léo trong việc sắp đặt cây cối trong hồ thủy sinh. Tại sao không nhỉ? Cũng những con người đó đã tỉa tót những cây nhỏ xíu thành một khu rừng, và sắp xếp những bông hoa và cành cây theo một trật tự ngẫu hứng. Nên cũng không có gì ngạc nhiên khi một số bố cục hồ thủy sinh đẹp nhất trên thế giới “xuất xứ từ Nhật Bản”. Thậm chí một vài nghệ nhân Nhật Bản còn thâm nhập vào nền văn hóa phương Tây, mà tiêu biểu là Takashi Amano và Doshin Kobayashi. Hai vị này đã đề cao giá trị của hồ thủy sinh. Làm thế nào mà cả hai lại có ảnh hưởng to lớn đến thú chơi này? Thiết kế và phong cách.

Nếu muốn phân tích về thiết kế và phong cách của hồ thủy sinh Nhật Bản thì người ta phải am hiểu về tín ngưỡng, văn hóa và xã hội Nhật Bản ở một mức độ nhất định. Bạn có thể cho rằng chúng chẳng liên quan gì đến hồ thủy sinh, nhưng ở Nhật thì 3 đặc tính ấy là nền tảng của mọi thứ. Bất kể là một giao dịch thương mại hay vị trí cắm cây Hygophila, các đặc tính này luôn giữ một vai trò nào đó. Để tôi giải thích.

Tín ngưỡng Nhật Bản về cơ bản là sự giao thoa giữa Phật giáo, Thần đạo và một ít Công giáo; nơi mà xã hội có sự phân biệt giữa tiền bối (kohai) và hậu bối (sempai). Điều này được thể hiện qua việc sử dụng những loại cây nhất định làm nền cho bố cục, chẳng hạn như thảm trân châu nhật Glossostigma, và những cây làm tiêu điểm, chẳng hạn như Rotala trồng lệch tâm. Nhiều phương diện của tín ngưỡng, chẳng hạn như Thiền tông, đã tác động vào lối sắp đặt và bố cục hồ thủy sinh. Chẳng hạn, số lượng đá to trong hồ luôn phải là số lẻ như 1, 3, 5, vân vân. Số 4 cũng là số xui ở Nhật Bản bởi vì trong tiếng Nhật, từ 4 (tứ) đồng âm với từ chết (tử). Xu hướng Thiền hoàn toàn trừu tượng và không thể mô tả. Tự thân việc hành Thiền cũng đa phần rút tỉa từ tự nhiên, bởi vậy không có gì ngạc nhiên khi Thiền ảnh hưởng đến phong cách thủy sinh.

Takashi Amano từng nói về xu hướng Thiền như thế này, “Thật khó mô tả bằng lời về xu hướng Thiền trong bố cục thủy sinh. Phần nào mục đích nhằm biến hồ thủy sinh không chỉ thành một bản sao của phong cảnh tự nhiên, mà còn tạo dựng một tổng thể đem lại cảm hứng cho người xem. Đó là một nghệ thuật sống động mà hồ chính là khung vẽ. Để phát triển sự tương đồng nghệ thuật xa hơn chút nữa, hồ thủy sinh với bố cục tự nhiên là trường phái ấn tượng theo phong cách thủy sinh tự nhiên”. Nội trích dẫn này cũng đủ khái quát toàn bộ quang cảnh thủy sinh ở Nhật Bản.

Phong cách Thiền trong bố cục thủy sinh không thể giảng dạy được mà phải quan sát và tin tưởng. Làm thế nào để học được cách bố cục như Amano? Nó đòi hỏi cảm nhận sâu sắc về thiên nhiên, cùng với nhiều năm trời thất bại. Một số những quyển sách hay nhất cần phải xem thậm chí không đề cập gì đến hồ thủy sinh. Những quyển sách này nói về bonsai, phong cảnh, hoa viên đá, hoa viên cát và tiểu hoa viên Nhật Bản. Để nắm bắt toàn bộ tinh thần của bố cục thủy sinh Nhật Bản, người chơi phải am tường mọi hình thức thiết kế và bố cục Nhật Bản. Takashi Amano từng được hỏi cách làm sao thiết kế hồ thủy sinh, ông nói rằng đó là sự am hiểu về thiên nhiên hơn bất kỳ điều gì khác. Đấy là ý kiến từ một người có khả năng thiên bẩm nhưng ông không thể diễn tả thành lời. Dĩ nhiên đúng là như vậy nhưng thậm chí cả Thiên Nhiên cũng có quy luật.

Văn hóa và xã hội Nhật Bản được xây dựng dựa trên những quy định và luật lệ. Không chỉ quy định và luật lệ do nhà nước ban hành mà còn là tập tục. Các tập tục luôn được tuân thủ một cách nghiêm ngặt tại Nhật Bản. Người vi phạm sẽ bị xã hội đào thải. Theo lập luận của tôi, tôi nghĩ đấy là nơi mà người Nhật tiếp thu quy tắc tinh túy để duy trì một hồ thủy sinh tươi tốt. Và bởi vì hầu hết mọi thứ ở Nhật Bản đều có kích cỡ nhỏ (so với kích cỡ XL ở phương Tây), một thế giới vi mô vốn dĩ dễ duy trì. Tôi cũng tin rằng một người mới chơi thủy sinh bình thường ở Nhật Bản có khuynh hướng tìm kiểu kỹ về thú chơi trước khi “lao hẳn vào”. Tôi nói điều này dựa vào bằng chứng về sự hiện diện của vô số tạp chí liên quan đến thủy sinh ở Nhật Bản. Không chỉ hiện diện mà còn được đón đọc. Rất khó phân biệt giữa tiệm sách với thư viện ở xứ sở này. Một quang cảnh phổ biến ở Nhật Bản là các tiệm sách đầy người, nhưng hiếm có ai mua sách hoặc tạp chí mà chỉ đọc thôi.

Lý do nữa khiến có nhiều người chơi thủy sinh trình độ cao ở Nhật Bản là nhờ vào đội ngũ nhân viên lành nghề tại hầu hết các tiệm thủy sinh. Ở Mỹ, chúng ta thường thấy hình ảnh một nhóc tì làm việc trong tiệm mà không hề có kiến thức gì về loại nền phù hợp với cây thủy sinh. Cũng ở Mỹ, phụ kiện thủy sinh ở hầu hết các tiệm đều nghèo nàn. Ở Nhật Bản, hầu các tiệm đều có nhân viên am hiểu về cây thủy sinh. Nếu bạn truy họ bằng một câu hỏi khó thì họ có thể cố tìm câu trả lời cho bạn trong tạp chí. Và việc cung cấp phụ kiện thủy sinh chất lượng cao, tôi dám chắc, là tốt nhất trên thế giới ở một số tiệm. Chưa kể đến việc cung cấp cây thủy sinh sẵn có ở Nhật Bản.

Một điều về người Nhật đó là họ kiên định trong hầu hết mọi thứ mà mình thực hiện. Sự kiên định đó cũng được duy trì cả trong thú chơi thuỷ sinh. Như một số bạn đã biết rằng việc chỉnh sửa và bảo dưỡng hồ thủy sinh đôi khi rất khó khăn. Dĩ nhiên, một số người mới chơi thủy sinh tại Nhật Bản “ném khăn chịu thua” ngay lần đầu khi hồ của họ bị tảo hoành hành, nhưng hầu hết đều trụ lại được.

Đa số tiệm thủy sinh tại Nhật Bản đều cung cấp sản phẩm đa dạng. Mọi thứ từ hàng Dupla, Dennerle và Tropica đều có mặt ở hầu hết các tiệm. Thậm chí nếu không tìm thấy ba nhãn hàng đó thì đã có nhãn hàng thủy sinh nội địa của chính ông Amano, hàng ADA. Giá của hầu hết phụ kiện thủy sinh đều cao, nhưng chất lượng thực sự tương xứng. Aqua Design Amano (ADA) là nhãn hàng được sử dụng phổ biến nhất tại Nhật Bản. Ở đây, hàng này không chỉ được hỗ trợ mà phân phối cũng rất tốt. Giá cả nguồn hàng ADA cũng rất cạnh tranh so với một số công ty lớn khác, chẳng hạn Dupla và Dennerle. Thêm nữa, người Nhật Bản cảm thấy tự hào khi sử dụng sản phẩm nội địa. Với cây thủy sinh cũng vậy.

So với cây ngoại nhập, khá nhiều cây thủy sinh nội địa có thể trồng trong hồ nhiệt đới hay cận nhiệt đới. Blaxa japonica là một trong những cây mà tôi ưa thích. Đây là loại “cỏ” mọc nhanh. Thay vì phát triển thân bò (runner) thì nó nảy nhánh ngay cạnh gốc chính. Loài Blaxa này mọc cao đến 15 cm nếu ánh sáng yếu và thấp hơn nếu ánh sáng mạnh, do đó nó là loại cây trung cảnh lý tưởng. Một loài cây nội địa ưa thích khác của tôi là ngưu mao chiên nhật Eleocharis sp. Đây là loài cây mọc nhanh với thân bò mới nảy nhánh sau mỗi vài ba ngày. Vì có kích thước từ trung bình đến lớn, 10-20 cm, nó được dùng như là loại cây trung hay hậu cảnh. Loài cây này chuộng nền giàu sắt để dễ mọc sâu. Chẳng mất nhiều thời gian để nó xâm chiếm toàn bộ hồ thủy sinh. Việc cắt tỉa phải được thực hiện thường xuyên để khống chế sự phát triển của nó. Dẫu cây thủy sinh nội địa phổ biến, cây thủy sinh ngoại nhập vẫn chiếm đa số ở Nhật Bản.

Singapore là nguồn cung cấp cây thủy sinh cho Nhật Bản và hầu hết các nước trên thế giới. Nhưng Tropica cũng là nguồn cung lớn ở Nhật Bản. Hầu hết chủng loại cây từ Singapore là rêu (moss), cây bụi (bunch) và cây cắt cắm (stem). Hàng Tropica thì hầu hết là tiêu thảo (crypts), cây lá kiếm (sword) và nhiều loại cây hiếm khác. Vài tiệm lớn tại Tokyo cung cấp cây từ cả hai hãng, Tropica và Dennerle. Những tiệm này có xu hướng phục vụ cho tầng lớp chơi thủy sinh cao cấp chịu chi ở Tokyo. Dù bán đắt hơn nhưng hàng của họ không phải lúc nào cũng tốt nhất. Mọi tiệm chuyên về thủy sinh ở Nhật Bản đều có xu hướng cung cấp cây không nhiễm tảo. Nhận định này dựa vào các đợt viếng thăm của tôi đến trên 10 tiệm ở vùng Kanto. Dĩ nhiên, tiệm mà tôi ưa chuộng nằm ở địa phương, tiệm Aqua Opa. Chủ tiệm, ông Kamimura, là người dễ thương nhất mà tôi từng gặp gỡ. Nếu không có loại cây mà bạn muốn thì ông sẽ gọi cho nhà cung cấp ngay lập tức để xem họ có hay không. Thường thì mất không đầy một tuần cho bất kỳ yêu cầu đặt hàng riêng nào. Giá cả tại các tiệm biến thiên từ rất rẻ đến cực đắt. Tokyo không phải là nơi để mua cây thủy sinh. Ở Tokyo, cây bụi thường nhỏ hơn và đắt hơn, cây trồng chậu luôn nhỏ hơn so với một số tiệm xa thành phố lớn. Nhưng bù lại nguồn hàng luôn dồi dào.

Có lẽ tôi đã mổ xẻ quá sâu về thú chơi dưới góc độ nhân loại học, nhưng những đặc tính xã hội đã ảnh hưởng đến lối bố cục Nhật Bản. Cá nhân tôi muốn giới thiệu phong cách thủy sinh Nhật Bản đến bất kỳ người chơi thủy sinh nào. Thậm chí những người mới bắt đầu chơi cũng nên mạnh dạn tiếp thu vẻ đẹp và phong cách của bố cục thủy sinh Nhật Bản.

Ryan Stover hiện 25 tuổi và từng sống tại Yokosuka, Nhật Bản trong 5 năm khi làm việc tại một căn cứ Hải Quân Hoa Kỳ ở đấy. Stover có trên 10 năm kinh nghiệm chơi thủy sinh và từng thiết lập cả tá hồ thủy sinh trong nhiệm kỳ của mình tại Nhật Bản

Không có nhận xét nào